CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO NGÀNH IN VÀ BAO BÌ VIỆT NAM TRONG NĂM 2025
Ngô Anh Tuấn
Cố vấn Học viện PrintMedia Việt Nam
Ngành in và bao bì Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động. Để tăng cường năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tận dụng những lợi thế hiện có, đồng thời phát triển các chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bài viết này phân tích các yếu tố tác động chính và đưa ra những chiến lược phù hợp cho ngành in và bao bì Việt Nam trong năm 2025.
1. Bối Cảnh Kinh Tế Toàn Cầu và Tác Động Đến Ngành In Việt Nam
1.1 Sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu
- Trung Quốc hiện vẫn là trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ vào năng lực sản xuất quy mô lớn, cơ sở hạ tầng hiện đại và khả năng cung ứng nguyên vật liệu đa dạng. Với sự tập trung của các nhà sản xuất từ các lĩnh vực khác nhau, Trung Quốc có thể cung cấp máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, linh kiện và sản phẩm cuối cùng nhanh chóng và hiệu quả. Báo cáo từ The Economist (2022-2024) cho thấy Trung Quốc đóng góp hơn 28% tổng sản lượng sản xuất toàn cầu và là nhà cung cấp chủ lực cho nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, bao gồm in ấn và bao bì.
- Những điểm mạnh này của Trung Quốc đặt các doanh nghiệp Việt Nam vào thế bị động trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định và giá cả hợp lý. Khi Trung Quốc gặp biến động về chính sách xuất khẩu hay tăng giá nguyên liệu, các doanh nghiệp Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là trong ngành in và bao bì.
1.2 Xu hướng bảo hộ mậu dịch và yêu cầu về tiêu chuẩn bền vững của Mỹ và EU
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã tạo ra làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó Việt Nam là điểm đến ưu tiên. Forbes (2023) cho biết, khoảng 30% các công ty Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đã di dời sản xuất sang Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường lớn như Mỹ và EU cũng ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn bền vững và trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng. Theo World Economic Forum (2022), 80% người tiêu dùng tại Mỹ và EU sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch.
1.3 Sự cạnh tranh gia tăng từ các trung tâm sản xuất khác trong khu vực châu Á
Việt Nam: mặc dù là điểm đến hấp dẫn cho sản xuất và xuất khẩu trong ngành in và bao bì, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các trung tâm sản xuất khác trong khu vực châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Khi các quốc gia như Ấn Độ đầu tư mạnh mẽ vào nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ sản xuất, họ trở thành những đối thủ nặng ký, thu hút các khách hàng toàn cầu bằng mức chi phí cạnh tranh và quy mô sản xuất lớn. Ấn Độ không chỉ cung cấp nhân công giá rẻ mà còn đang dần cải thiện khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra áp lực lớn lên các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng và tính bền vững trong sản phẩm. Nếu các doanh nghiệp in và bao bì Việt Nam không nhanh chóng đầu tư vào công nghệ mới và tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, họ có thể mất đi thị phần vào tay các đối thủ khu vực, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của ngành trong dài hạn.
1.4 Hiệp định thương mại tự do và lợi thế của Việt Nam
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Những FTA này giúp doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ việc giảm thuế quan và dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn. Bộ Công Thương Việt Nam (2022) ước tính rằng EVFTA có thể giúp xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng trưởng 42.7% trong giai đoạn 2021-2025. Đây là một lợi thế mạnh mẽ cho ngành in và bao bì Việt Nam, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
1.5 Xu hướng doanh nghiệp FDI thâu tóm doanh nghiệp Việt trong những năm tới
Trong những năm gần đây, với căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đẩy mạnh quá trình chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để tận dụng chi phí thấp và giảm tác động từ các biện pháp thuế quan. Miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các khu công nghiệp lớn ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Bắc Giang, đang trở thành điểm đến chính của các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc. Theo Statista (2022), dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 20% so với những năm trước, chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất và in ấn. Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang miền Bắc Việt Nam nên sẽ hình thành cục diện cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI có nguồn lực tài chính mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến hơn so với các doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Theo Báo cáo từ PwC (2023), 80% các doanh nghiệp FDI trong ngành in có khả năng đầu tư mạnh vào công nghệ in kỹ thuật số và tự động hóa, điều mà nhiều doanh nghiệp Việt còn chưa đáp ứng được. Sự chênh lệch này tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp nội địa khi họ khó có khả năng đầu tư cùng quy mô và tốc độ với các doanh nghiệp FDI.
Xu hướng các doanh nghiệp FDI thâu tóm doanh nghiệp Việt để mở rộng thị phần đang ngày càng phổ biến. Nghiên cứu của McKinsey (2022) cho thấy, ước tính khoảng 25% các thương vụ M&A trong ngành in và bao bì tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Mục tiêu của họ là tận dụng hệ thống phân phối và mối quan hệ sẵn có của doanh nghiệp nội địa để nhanh chóng gia nhập thị trường. Với sự gia nhập của doanh nghiệp FDI, cạnh tranh về giá và chất lượng sẽ trở nên khốc liệt hơn. Các doanh nghiệp FDI có thể áp dụng công nghệ cao để giảm chi phí sản xuất, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn phụ thuộc vào công nghệ truyền thống. Theo World Bank (2022), chi phí sản xuất trung bình của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam cao hơn 15% so với các công ty FDI trong cùng ngành, làm giảm khả năng cạnh tranh của họ.
Tóm lược các số liệu thống kê
- Chi phí sản xuất trung bình của các công ty FDI thấp hơn doanh nghiệp Việt Nam 15%
- Vốn FDI từ Trung Quốc tăng 20% năm 2022 và sẽ tăng nhiều sau bầu cử tổng thống Mỹ
- Tỷ lệ tham gia mua lại và sáp nhập (M&A) trong ngành in và bao bì 25% do FDI Trung Quốc chi phối
- Hơn 30% doanh nghiệp in và bao bì nhỏ và vừa có nguy cơ bị thâu tóm trong 5 năm tới
2. Phân tích SWOT ngành In và Bao bì Việt Nam
2.1 Strengths (Điểm Mạnh)
- Chi phí lao động thấp: Việt Nam có chi phí lao động cạnh tranh, chỉ bằng khoảng 50-60% so với Trung Quốc (World Bank, 2024). Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất với chi phí thấp, tăng khả năng cạnh tranh về giá cả.
- Vị trí địa lý chiến lược: Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, thuận lợi cho giao thương và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là trong việc xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ qua các tuyến đường biển quốc tế.
- Lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do: Các hiệp định như CPTPP, EVFTA giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn, giảm thuế quan và tăng cường khả năng xuất khẩu. Điều này tạo điều kiện cho ngành in và bao bì mở rộng thị trường, đặc biệt là khi các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
2.2 Weaknesses (Điểm yếu)
- Phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc: Việt Nam nhập khẩu hơn 70% nguyên liệu giấy và thiết bị in ấn từ Trung Quốc (Bộ Công Thương Việt Nam, 2022). Sự phụ thuộc này khiến các doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng khi Trung Quốc thay đổi chính sách xuất khẩu hoặc biến động giá cả.
- Công nghệ sản xuất lạc hậu: Theo báo cáo của World Bank, khoảng 80% doanh nghiệp in và bao bì tại Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, không đáp ứng được yêu cầu của các tiêu chuẩn quốc tế về tốc độ và hiệu quả sản xuất, đặc biệt là không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và phát triển bền vững từ các thị trường lớn như Mỹ và EU. Nhiều doanh nghiệp in chỉ có những máy in tốt nhất, nhiều công nhân và mặt bằng rộng nhưng lại không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của chuỗi cung ứng. Điều này gây khó khăn cho việc cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, đặc biệt là trong phân khúc cao cấp. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường quốc tế, đặc biệt khi các nhà in tại khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đang đầu tư mạnh vào công nghệ in kỹ thuật số.
- Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao: Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, có đến 60% nhân sự trong ngành in tại Việt Nam chưa được đào tạo bài bản về công nghệ số và quản lý dữ liệu. Việc thiếu hụt nhân lực chuyên môn cao không chỉ làm chậm quá trình chuyển đổi số mà còn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới, các hệ thống quản trị tiên tiến và các yêu cầu ngày càng cao của các chuỗi cung ứng.
- Hạn chế về kiến thức và tiêu chuẩn quốc tế: Một số doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về các tiêu chuẩn quốc tế về nguồn gốc nguyên vật liệu như FSC (Forest Stewardship Council), các chứng chỉ chuyên về chất lượng in ISO 12647, GMI…thậm chí việc hiệu chỉnh theo phương pháp G7 cũng chưa chủ động thực hiện, các chứng chỉ về trách nhiệm xã hội (SA8000, ICTI, ESP…), an toàn lao động- môi trường như ISO 14001, hệ thống quản lí chất lượng như SQP, hệ thống an ninh như SCAN… , làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
2.3 Opportunities (Cơ Hội)
- Chuyển dịch chuỗi cung ứng: Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung nếu tiếp tục diễn ra sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài.
- Sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu về bao bì chất lượng cao mở ra cơ hội cho ngành in, đặc biệt trong lĩnh vực in bao bì và nhãn mác.
- Nhu cầu tăng cao đối với sản phẩm bền vững: Với xu hướng tiêu dùng xanh tại các thị trường lớn, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng trưởng nếu đầu tư vào sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Sự quan tâm từ chính phủ Việt Nam và sự nỗ lực các hiệp hội: Ngành in sau nhiều năm được quản lý như một ngành văn hoá tư tưởng đã được nhìn thoáng hơn và phù hợp hơn như một ngành công nghiệp phụ trợ. Các cấp lãnh đạo đang dần dần điều chỉnh việc quản lý ngành in ở góc độ kinh tế công nghiệp và hy vọng rằng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi hơn từ cách tiếp cận này. Hiệp hội In Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, kết nối doanh nghiệp với các tổ chức quốc tế và hỗ trợ đào tạo, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng thị trường.
2.4 Threats (Nguy Cơ)
- Không đáp ứng tiêu chuẩn bền vững: Các thị trường như EU và Mỹ yêu cầu sản phẩm đạt các tiêu chuẩn bền vững. Doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn này có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Cạnh tranh mạnh từ các nước trong khu vực: Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng đang thu hút đầu tư từ chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo World Bank (2024), các nước này đều có chi phí sản xuất cạnh tranh và các chính sách ưu đãi hấp dẫn cho nhà đầu tư, khiến ngành in Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp nước ngoài khi chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam mang theo công nghệ tiên tiến và quy mô sản xuất lớn, tạo ra áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ấn Độ cũng là một đối thủ đáng gờm khi họ đang tìm mọi cách để kéo các nhà đầu tưu ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam với chi phí sản xuất và nhân công rẻ hơn.
- Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng tạo ra nhiều rủi ro khi mà chúng ta đã không tận dụng được trong giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và sẽ tạo ra nhiều rủi ro tiềm tàng khi các nhà cung cấp Trung Quốc đi theo khách hàng vào Việt nam sẽ tranh thủ nguồn lực để cạnh tranh với các nhà in Việt Nam ngay tại thị trường nội địa của Việt Nam.
- Chậm và chưa đầu tư đúng cho chuyển đổi số: Đầu tư vào thiết bị, phần mềm quản lý sản xuất hiện đại và các hệ thống tự động hóa yêu cầu chi phí cao, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cho biết khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi số là thiếu vốn đầu tư, với chi phí đầu tư ước tính khoảng 500.000 – 1 triệu USD để xây dựng một hệ thống sản xuất số hóa.
- Chính sách chưa đồng bộ và nhận thức về kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp in và người tiêu dùng chưa đầy đủ: Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, việc thực thi vẫn gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể. Theo Báo cáo từ PWC, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp trong ngành in hiểu rõ về các yêu cầu pháp lý liên quan đến kinh tế tuần hoàn và có kế hoạch áp dụng.
Việc sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường như mực in sinh học hoặc giấy tái chế có chi phí cao hơn từ 20-30% so với nguyên liệu truyền thống. Theo Hiệp hội In Việt Nam, điều này làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và gây khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ trên thị trường.
Bên cạnh đó, mặc dù xu hướng tiêu dùng xanh đang tăng, nhưng khảo sát từ Statista cho thấy chỉ có 35% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm bền vững. Điều này làm giảm động lực của doanh nghiệp trong việc áp dụng các sản phẩm bao bì bền vững. Đó cũng là lí do mà bao bì nhựa vẫn sản xuất liên tục với qui mô hơn 1 triệu tấn/năm gây áp lực rất lớn cho tái chế và xử lý môi trường. - Thiếu hỗ trợ tài chính từ nhà nước: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ tài chính hoặc ưu đãi đầu tư từ nhà nước. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 65% doanh nghiệp ngành in và bao bì cho rằng họ không thể tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ cho công nghệ xanh.
3. Chiến lược phát triển bền vững cho ngành in và bao bì Việt Nam năm 2025
3.1 Phát triển chuỗi cung ứng nội địa
- Đầu tư vào sản xuất nguyên liệu nội địa: Giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và các nước bằng cách đầu tư vào sản xuất giấy, mực in, và các nguyên liệu thiết yếu khác trong nước. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua các ưu đãi thuế và đầu tư hạ tầng.
- Xây dựng cụm công nghiệp chuyên biệt: Tập trung các doanh nghiệp in và bao bì trong cùng một khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ nguồn lực, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc này đã được đề cập nhiều nhưng do thiếu vốn đầu tư, thiếu sự quan tâm sâu sát và kể cả sự nghi ngờ sâu rộng nên chúng ta vẫn chưa lên kế hoạch.
3.2 Tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về bền vững
- Chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế: Đạt các chứng nhận quốc tế về bền vững sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn như Mỹ và EU, đồng thời nâng cao uy tín thương hiệu.
- Hiệp hội in Việt Nam và các đơn vị đào tạo có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đạt các chứng nhận quốc tế thông qua các khóa đào tạo, tư vấn và kết nối với các tổ chức chứng nhận uy tín. Điều này giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường yêu cầu cao về tiêu chuẩn bền vững, như EU và Mỹ, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
3.3 Đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh
- Áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường: Các doanh nghiệp nên sử dụng công nghệ sản xuất sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm thiểu phát thải và tiết kiệm năng lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng xanh, đặc biệt là tại Mỹ và EU. Đây không chỉ là yêu cầu từ các thị trường quốc tế mà còn là xu hướng tất yếu để đảm bảo phát triển bền vững.
- Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D): Thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) giúp các doanh nghiệp không ngừng cải tiến sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và đón đầu các xu hướng sản xuất thân thiện với môi trường.
3.4 Nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nhân sự
- Đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao: Doanh nghiệp cần đầu tư đào tạo nhân sự về kỹ thuật sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, kiểm soát chất lượng và kiến thức về tiêu chuẩn quốc tế và được các tổ chức đánh giá có uy tín thực hiện. Điều này giúp các doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh và duy trì hình ảnh tốt đẹp.
- Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng (QC): Một hệ thống QC nghiêm ngặt giúp đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và tạo niềm tin với khách hàng quốc tế.
4. Vai Trò của Hiệp Hội In Việt Nam
Hiệp hội In Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành đối phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội từ bối cảnh toàn cầu:
- Tư vấn và đào tạo doanh nghiệp: Hiệp hội có thể cung cấp các khóa đào tạo về quản lý chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn quốc tế và các yêu cầu về trách nhiệm xã hội và môi trường. Các hội thảo về công nghệ in mới và bền vững cũng giúp các doanh nghiệp cập nhật kiến thức và nâng cao năng lực.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng nhận quốc tế: Hiệp hội có thể kết nối doanh nghiệp với các tổ chức chứng nhận như để giúp họ đạt tiêu chuẩn, từ đó mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường lớn và nâng cao uy tín thương hiệu.
- Kết nối doanh nghiệp với đối tác quốc tế: Hiệp hội có thể kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU để trao đổi công nghệ và hợp tác sản xuất, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến và phát triển bền vững.
- Đại diện đàm phán với chính phủ: Hiệp hội cũng có thể đại diện cho ngành in và bao bì trong các cuộc đàm phán với chính phủ, vận động các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nội địa, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
5. Kết Luận
Ngành in và bao bì Việt Nam đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh toàn cầu vào năm 2025. Để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về bền vững, và sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Hiệp hội In Việt Nam đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc cung cấp tư vấn, đào tạo và kết nối với các đối tác quốc tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.
Tài Liệu Tham Khảo
- ADB, 2023 – Thách thức và cơ hội chuyển đổi số tại Việt Nam.
- Bộ Công Thương Việt Nam. (2022). Báo cáo về tình hình nhập khẩu nguyên vật liệu ngành in.
- Các tài liệu của Hiệp hội In Việt Nam và hội in TPHCM, 2018-2023
- CSR Europe. (2023). “Global Standards on Corporate Social Responsibility in Supply Chains.”.
- (2023). “Supply Chain Shifts Amid U.S.-China Trade War.” Retrieved from https://www.forbes.com.
- org. “Forest Stewardship Council – Standards and Certification.” Retrieved from https://www.fsc.org.
- ILO, 2023 – Báo cáo về nguồn nhân lực và công nghệ trong ngành in Việt Nam.
- org. “ISO 14001 – Environmental Management Systems.” Retrieved from https://www.iso.org.
- PwC, 2022 – Đánh giá về khung pháp lý và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
- Statista, 2023 – Khảo sát hành vi tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
- The Economist. (2022). “China’s Role in Global Supply Chains.” Retrieved from https://www.economist.com.
- VCCI, 2023 – Báo cáo về các hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp xanh
- World Economic Forum. (2022). “Global Consumer Insights on Sustainable Purchasing.” Retrieved from https://www.weforum.org.
- World Bank. (2024). “Southeast Asia as a Global Manufacturing Hub.” Retrieved from https://www.worldbank.org.
- World Bank, 2022 – Báo cáo phát triển ngành in tại Đông Nam Á.
- World Economic Forum, 2022 – Sáng kiến kinh tế tuần hoàn trong khu vực ASEAN.
- www.prima.vn