Xu hướng bao bì năm 2023 (Phần 1)

Năm 2023 các thương hiệu và các nhà cung cấp bao bì cần linh hoạt hơn để duy trì tính cạnh tranh và phát triển khi đối mặt với những thách thức mới trong thị trường. Các chuyên gia trong giới bao bì cũng cần nắm bắt cơ hội duy trì và mở rộng mối quan hệ cá nhân giữa thương hiệu với người tiêu dùng để nâng cao tính bền vững, tối đa hóa việc sử dụng công nghệ, hợp lý hóa các hoạt động của chuỗi cung ứng, kết hợp với việc triển khai các thiết kế bao bì theo xu hướng để tạo ra hiệu quả.

Những yếu tố như thiết kế bao bì, sở thích của người tiêu dùng và xu hướng công nghệ đều sẽ được kết nối lại với nhau để tạo ra thị trường trong tương lai. Hành vi của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến cách thức vận hành của thương hiệu và công nghệ cũng sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa các thương hiệu, nhà cung cấp, người tiêu dùng và môi trường của họ. Bài báo cáo này sẽ bàn về các xu hướng bao bì chính sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong năm 2023 và công nghệ sẽ giúp các thương hiệu và nhà cung cấp đáp ứng được những thách thức mới như thế nào.

Trong báo cáo này, các bạn sẽ được tìm hiểu về những xu hướng bao bì mà chúng tôi dự đoán cho năm 2023 và cho những năm sau, bao gồm những insights thu thập được từ những người tạo ra xu hướng truyền thông quốc tế, các công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường về xu hướng người tiêu dùng, cũng như những dự báo của các lãnh đạo Esko. Ngoài ra còn có kết quả của cuộc khảo sát vào tháng 12 năm 2022 do Esko thực hiện cùng với các chuyên gia trong ngành bao bì trên khắp thế giới về xu hướng bao bì, những thách thức và cơ hội trong tương lai.

HÀNH VI MUA HÀNG CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

Khi thế giới thay đổi, hành vi của người tiêu dùng cũng sẽ thay đổi theo. Không ngoa khi nói rằng cuộc sống của người tiêu dùng trong vài năm gần đây đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Trong hai năm vừa qua, trên thế giới có năm xu hướng chính nổi lên tác động đến cách thức người tiêu dùng mua sắm hàng hóa, nhìn nhận thương hiệu và sống cuộc sống của họ. Do đó, các công ty cần phải chú ý đến những xu hướng tiêu dùng này và điều chỉnh các quy trình sao cho phù hợp nhằm duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng. Các thông tin sau đây được Mintel tổng hợp trong Báo cáo “Xu hướng tiêu dùng toàn cầu năm 2023”.

1. Tâm lý duy ngã – Bản thân tôi & lối suy nghĩ của Tôi (Me Mentality)

Người tiêu dùng đều biết đại dịch đã làm gián đoạn toàn bộ cuộc sống. Hiện nay khi kỷ nguyên đại dịch đã rời xa, người tiêu dùng đã sẵn sàng để tập trung lại vào bản thân họ. Theo Mintel, “Khi người tiêu dùng phát triển thị hiếu, thói quen và sở thích mới phù hợp với con người thật của họ hay con người mà họ muốn trở thành, các thương hiệu có thể cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm hoặc trải nghiệm mới nhằm khơi dậy sự tò mò trong họ.”

Đồng thời, người tiêu dùng cũng nhận thức được nhiều sự không chắc chắn trong tương lai, vì vậy họ đang phấn đấu để trở nên kiên cường hơn. Lấy ví dụ, theo Mintel, “44% Gen Z ở Mỹ đồng ý rằng so với trước đại dịch COVID-19, hiện nay việc tìm cách tôn vinh bản thân đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.” Việc tập trung nhiều hơn vào bản thân giúp người tiêu dùng kết nối lại với chính con người thật của họ và những giá trị mà họ xem trọng. Do đó, các công ty cần phải suy xét đến việc người tiêu dùng sẽ luôn trung thành với những thương hiệu đã phản ánh được những điều quan trọng nhất đối với họ. 

2. Quyền lực cho mọi người

Theo Mintel, “Các thương hiệu phải tạo không gian cho một chữ ‘C’ mới trong bộ C (c-suite) của họ: đó chính là người tiêu dùng (customer). Các thương hiệu có thể lùi về phía sau và để cho người tiêu dùng trở thành trung tâm sáng tạo của sự đổi mới.” Do đó hiện nay, các thương hiệu đang dần cho phép người tiêu dùng định hình tương lai của họ hơn bao giờ hết. Trong năm 2023, người tiêu dùng mong muốn được đồng sáng tạo với các thương hiệu và trở thành một phần trong sự thay đổi, thúc đẩy quá trình đổi mới trên thị trường. Điều này được thể hiện rõ nhất trên các nền tảng mạng xã hội, chẳng hạn như TikTok, nơi người tiêu dùng có thể thoải mái trong việc thể hiện bản thân một cách sáng tạo. Nhờ vậy, các thương hiệu sẽ khai thác được nhiều nhân tài có tính sáng tạo cao và áp dụng được các quan điểm của người tiêu dùng vào các chiến dịch của thương hiệu.

Vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các công ty trong tương lai? Mintel dự định, “Trong 5 năm tới, các thương hiệu sẽ ngày càng phục vụ cho các đặc điểm “ngách” của các nhà đầu tư tiêu dùng trung thành, phân chia các thương hiệu lớn, lâu đời thành các đơn vị kinh doanh nhỏ hơn, có mục tiêu cụ thể hơn.” 

3. Sự mệt mỏi quá mức

Kể từ năm 2020, người tiêu dùng đã phải đối mặt với hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, khiến họ cảm thấy mệt mỏi và bị choáng ngợp, chẳng hạn như đại dịch, khủng hoảng năng lượng, lạm phát, bất ổn địa chính trị và những lo ngại về khí hậu. Vì vậy, người tiêu dùng đang ngày càng bị thu hút bởi các thương hiệu có thể giúp họ thoát khỏi cuộc sống thường ngày. Các công ty cần phải cảnh giác với mọi vấn đề quan trọng nhất đối với người tiêu dùng bất cứ thời điểm nào.

4. Chủ nghĩa địa phương quốc tế

Người tiêu dùng quan tâm đến những biến động trong nền kinh tế hiện nay, cả trên toàn cầu lẫn tại địa phương. Theo Mintel, điều này đã dẫn đến một hoạt động lớn hơn để bảo vệ tài nguyên địa phương và thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại đây, giúp người tiêu dùng cảm thấy họ đang được trả lại nơi mà họ sinh sống. Ví dụ: Mintel giải thích “Nhiều người tiêu dùng liên kết các sản phẩm địa phương với các hoạt động bền vững hơn, khiến các nhà bán lẻ nuôi dưỡng mối quan hệ này bằng cách làm cho quãng đường mà sản phẩm địa phương của họ phải đi ngắn hơn. Bên cạnh đó, các thương hiệu đang ngày càng minh bạch hơn về địa điểm và cách thức sản xuất sản phẩm khi cho phép người tiêu dùng quan sát hậu trường thông qua các buổi phát trực tiếp, các bài đăng trên mạng xã hội và các bao bì thông minh có mã QR.”

5. Chi tiêu có chủ ý

Thời kỳ lạm phát hiện nay đã khiến nhiều người ngày càng chú trọng hơn vào thói quen chi tiêu hơn bao giờ hết. Theo Mintel, điều này đã khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng mong muốn có được các lựa chọn tài chính thông minh  mà không phải hy sinh chất lượng cuộc sống. Điều này vượt xa so với việc đưa ra các lựa chọn tài chính thân thiện với túi tiền, nhằm xem xét đến các yếu tố như tính linh hoạt, độ bền và tính bền vững sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng như thế nào trong phương trình giá trị. Vì vậy các công ty cần phải quan tâm đúng mức đến việc duy trì mối quan hệ với các khách hàng hiện tại, đồng thời thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Những công ty cung cấp giá trị rõ ràng sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành những đồng đô la khan hiếm của người tiêu dùng.

(CÒN TIẾP)

Nguồn: Esko